Hà Nội: Tết an toàn thực phẩm, hàng hóa không lo thiếu

Nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh nên không tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu.

Để không xảy ra tình trạng găm hàng, sốt giá ảo trong những ngày cận Tết, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp âm lịch, Sở Công Thương Hà Nội đã liên tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của các doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa hàng hóa về các vùng ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp; đồng thời các doanh nghiệp cũng cam kết không tăng giá trong dịp trước, trong và sau Tết đảm bảo “nhà nhà người người” ai cũng được đón Tết đầy đủ.

1_48447

Các doanh nghiệp triển khai hoạt động dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

* Cam kết không tăng giá

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã thành thông lệ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh nên không tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, ổn định giá các mặt hàng, hạn chế tối đa tình trạng khan hàng, tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp triển khai hoạt động dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 trị giá 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so Tết Đinh Dậu 2017.

Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ dự trữ 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò, 200 triệu quả trứng gia cầm… Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát sẽ đưa ra thị trường lượng hàng hóa có giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng giò chả, miến, nông sản chế biến… sẽ đưa ra lượng hàng hóa trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng.

Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá khoảng 12.830 tỷ đồng. Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô, dự kiến đưa ra lượng hàng hóa đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết, Hapro đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu. Trong quá trình dự trữ hàng hóa, doanh nghiệp đặc biệt chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc, an toàn thực phẩm và giá cả hàng hóa để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

Các điểm kinh doanh của Hapro sẽ phục vụ đến chiều tối 30 Tết, một số địa điểm dịch vụ sẽ phục vụ xuyên Giao thừa. Sáng mùng 1 Tết một số địa điểm tại trung tâm thành phố sẽ mở cửa bán hàng. Các địa điểm khác sẽ mở cửa lần lượt ngày mồng 2 và mồng 3. Đến ngày mồng 4, toàn hệ thống sẽ mở cửa phục vụ người dân bình thường.

Để chủ động ứng phó với các tình huống sốt giá, thiếu hàng vào dịp Tết trong trường hợp xảy ra mất mùa, hay do thiên tai, dịch bệnh… Tổng Công ty đã có kế hoạch trữ hàng trong kho, tại các hệ thống siêu thị cũng như ký kết hợp đồng thanh toán trước, hoặc hợp đồng đặt cọc và ký hợp đồng nhưng chưa đặt tiền với các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa cho Tổng Công ty đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhân dân và không tăng giá trong dịp Tết. Bên cạnh đó, các mặt hàng của Tổng Công ty đều được kiểm định, kiểm soát và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

* Đưa hàng về nông thôn

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại hệ thống các điểm bán hàng tổ chức các hội chợ Xuân, các chương trình khuyến mại.

Tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất…, chú trọng mở rộng mạng lưới điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cũng hưởng ứng đưa hàng về nông thôn đã mở phiên “Chợ tết” Với phương châm “Hapro mang xuân đến mọi nhà”, Hapro đã đảm bảo dự trữ đầy đủ lượng hàng hóa thiết yếu để cung ứng ra thị trường phục vụ nhân dân tại 20 điểm bán hàng bình ổn giá, trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán đảm bảo phục vụ đầy đủ kịp thời nhu cầu mua sắm của người dân.

Không chỉ phục vụ người dân ở nội thành, mà Hapro còn tổ chức mô hình “Chợ Tết” tại huyện ngoại thành nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở ngoại thành được tốt hơn và thuận lợi hơn cũng như tạo sự phong phú và đa dạng trong hình thức kinh doanh của Tổng Công ty.

Ông Vũ Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, công ty đã mở rộng các kênh phân phối với hơn 2.000 điểm bán hàng được phân bổ khắp địa bàn Hà Nội, từ nội thành cho đến các vùng ngoại thành, vùng sâu vùng xa.

Các sản phẩm cũng được cải tiến quy cách đóng gói, thay đổi mẫu mã bao bì để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng. Đặc biệt, công ty cũng phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội triển khai chương trình “Phiên chợ hàng Tết về nông thôn” nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con được tốt hơn.

Để thuận lợi cho doanh nghiệp phục vụ Tết, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị, Hà Nội nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu được đi lại trong giờ cao điểm, cũng như tháo gỡ một số vướng mắc về công bố hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm trong Nghị định 38/2012/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tết thi hành một số điều của Luật Sn toàn thực phẩm.

Bởi theo yêu cầu này cùng một nhóm sản phẩm có các chỉ tiêu giống nhau nhưng chỉ khác tên gọi nhưng vẫn phải có công bố riêng, điều này làm khó cho các doanh nghiệp về mặt kinh tế cùng như thời gian. Do vậy, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước, Thành phố Hà Nội cần xem xét lại các nghị định, thông tư hướng dẫn để thuận tiện cho doanh nghiệp triển khai và áp dụng./.

Nguồn: baomoi.com