Giải mã để thương hiệu thực phẩm vươn xa

Các tiêu chí về an toàn thực phẩm chính là điều kiện quan trọng giúp doanh nghiệp xây dựng thành công thương hiệu.

122824_193931-gia-thuc-pham77

Ngành thực phẩm Việt vẫn còn yếu về thương hiệu. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh an toàn thực phẩm luôn là một vấn đề nóng như hiện nay, các tiêu chí về an toàn thực phẩm chính là điều kiện quan trọng giúp doanh nghiệp xây dựng thành công thương hiệu.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không có hệ thống quản lý giám sát chất lượng sản phẩm hiệu quả. Cùng đó, nếu sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu quốc gia không đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm thì Việt Nam sẽ bị mất cả thị trường và thương hiệu.

Định vị thương hiệu

Công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng lớn của Việt Nam. Thế nhưng trong khi nhiều nước châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu thực phẩm có vị trí vững chắc.

Tuy nhiên, tại Việt Nam do việc xây dựng thương hiệu tại các doanh nghiệp và ngành thực phẩm còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức cũng là một nguyên nhân làm giảm giá trị thương hiệu của thực phẩm Việt và làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Thời gian qua, nhiều lô hàng nông sản, thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan kiểm định trong nước và được xuất đi nhưng vẫn bị đối tác nước ngoài trả về vì dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu…

Không những thế, tình trạng này còn phổ biến tại nhiều ngành hàng khác nhau như thực phẩm dán nhãn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) bị phát hiện dư chất cấm, rau nhãn GAP bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu đã khiến người tiêu dùng hoang mang và cho thấy một lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát thị trường hiện nay.

Khảo sát từ Công ty Nielsen cho thấy, chất lượng an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của người tiêu dùng.

Vì vậy, để đảm bảo chất lượng thực phẩm nói riêng cũng như chất lượng sản phẩm nói chung sẽ là một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho các nhà sản xuất cũng như các nhà bán lẻ.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Trường Đại học Thương mại cho rằng, nông sản Việt Nam được thế giới biết đến bởi hương vị thơm ngon và có sự đặc trưng của yếu tố địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành thực phẩm tạo ra những sản phẩm chất lượng, tiền đề để tạo nên những thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Thế nhưng cho đến nay, số lượng thương hiệu thật sự có chỗ đứng trên trường quốc tế không nhiều.

Rất nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam được xuất khẩu vẫn dừng lại ở dạng thô hoặc sơ chế. Hầu hết chưa được đầu tư về nhãn mác, nhận diện thương hiệu nên kim ngạch thương mại mang lại thấp thậm chí khiến khách hàng hiểu sai về các giá trị của sản phẩm đến từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Thịnh cũng đưa ra ví dụ cụ thể như với mặt hàng cá tra, dù là ngành xuất khẩu mũi nhọn và mang về gần 2 tỷ USD mỗi năm thế nhưng đến nay thương hiệu cá tra Việt Nam trên thế giới vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc và giá cả luôn bấp bênh.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các cơ quan quản lý hiện nay chỉ kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm theo chiến dịch, lô hàng mà chưa kiểm soát tại các điểm đầu nguồn của chuỗi thực phẩm như biên giới, chợ đầu mối, cảng cũng như các cơ sở sản xuất, thương mại hóa chất, thức ăn và phân bón…

Hơn nữa, việc kiểm soát cũng không thực hiện theo quá trình (HACCP, GAP) và báo cáo thường xuyên nên chuỗi cung ứng thực phẩm còn rất nhiều lỗ hổng. Và, chỉ cần một mắc xích trong chuỗi có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến uy tín của toàn bộ chuỗi.

Mặt khác, việc thẩm định và cấp chứng nhận an toàn thực phẩm của các cơ quan quản lý không tương thích với tiêu chuẩn chứng nhận của tổ chức quốc tế cũng tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Yếu tố then chốt

Để xây dựng thương hiệu chung cho ngành thực phẩm, các chuyên gia cho rằng trước tiên phải lấp đầy những lỗ hổng về tiêu chuẩn, chất lượng để đảm bảo nền tảng cơ bản nhất về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự thay đổi từ cách tiếp cận, thay vì chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng, kiểm soát theo chiến dịch, các cơ quan quản lý phải thực hiện kiểm soát theo hệ thống.

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong kiểm soát an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Văn Toản – Phó giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng (Hòa Bình) chia sẻ, để các sản phẩm của doanh nghiệp có được đầu ra ổn định, công ty đã đẩy mạnh việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình sản xuất sản phẩm.

Đến nay, doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các đơn vị áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến này vào mô hình nuôi cá lồng, giúp sản phẩm có thể truy suất nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các tiêu chuẩn do các cơ quan chức năng yêu cầu, được các kênh phân phối hiện đại chấp nhận.

Nhờ đó, cuối tháng 6 vừa qua, sản phẩm cá sông Đà của công ty đã được đưa thành công vào hệ thống siêu thị Big C miền Bắc. Việc áp dụng thành công các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là một trong những công cụ quảng bá hữu hiệu nhất của doanh nghiệp hiện nay.

Khẳng định đảm bảo an toàn thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu giúp doanh nghiệp xây dựng thành công thương hiệu, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, thông tin ngày càng bùng nổ và những vụ việc mất an toàn thực phẩm sẽ dễ dàng bị người tiêu dùng nhìn ra.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp không áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng thương hiệu.

Ngược lại, khi áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, doanh nghiệp sẽ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khả năng tiêu thụ tốt trong nước cũng như xuất khẩu, từ đó thương hiệu được củng cố và phát huy giá trị.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh thành phố thực hiện xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Theo bà Lê Việt Nga, hàng hóa được bày bán tại điểm bán hàng Việt phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm…. và thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương.

Dự kiến hết năm 2018 sẽ thiết lập được khoảng 100 điểm bán hàng Việt tại 59 địa phương trên cả nước. Mục tiêu trong thời gian tới mà Điểm bán hàng Việt tiến tới là điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo triển khai và kiểm tra thực hiện quy định bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ, siêu thị nhất là chợ đầu mối nhằm ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, nhập lậu.

Ngoài ra, cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, chú trọng việc thanh tra, kiểm tra và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp tiên tiến trong quản lý an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng lưu ý các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần chú trọng tới việc xây dựng và phát triển các thương hiệu thực phẩm an toàn. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng, quyết định tạo nên sự thành công của mỗi doanh nghiệp đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng./.

Nguồn: bnews.vn